Friday, May 21, 2021

DUY TRÌ NĂNG LƯỢNG CHO NÃO BỘ

Bài giảng của cô Thủy hôm nay thật tuyệt! Mình cũng thật tuyệt (haa haa rồi cũng có ngày “mèo khen mèo dài đuôi”!). Dù chưa từng được học bài bản như cô giảng nhưng vô tình mình đều thực hiện những điều này trong suốt nhiều năm qua. Chắc nhờ vậy mà bao năm qua mình có thể “sống sót” khá ổn. Vậy thì mình tiếp tục phát huy thôi, lôi kéo cả chồng con cùng thực hành.

Mình xin chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình đối với các cách thức cô hướng dẫn trong bài giảng nhằm duy trì năng lượng cho não bộ này.

VIẾT RA NHỮNG VIỆC CẦN LÀM:

Khi có một danh sách việc cần làm cụ thể, chúng ta có thể (i) giúp cho não bộ đỡ mệt vì không cần phải ghi nhớ chúng một cách không cần thiết; (ii) tiết kiệm thời gian khi phải làm công việc đó vì hạn chế tình trạng thiếu hụt, bỏ sót và (iii) khi cần mình có thể nhờ được sự hỗ trợ dễ dàng hơn.

Cụ thể những thứ mình đã làm bao gồm:

·       Ghi chú dán trên tủ lạnh (to-buy list): trên nóc tủ lạnh, mình luôn để 1 xấp giấy nhỏ được cắt ra từ xấp lịch bàn cũ của công ty, khi có phát sinh bất cứ thứ gì như hết gạo, hết đường, mình vớ cây viết viết luôn vào đó và đính lên cửa tủ lạnh bằng nam châm. Đến kỳ hạn đi siêu thị mình cầm cái note đi luôn, không phải đi lục tủ mà cũng không phải nhớ là nhà hết cái gì. Mình cũng ghi chú cả những việc như cần vệ sinh máy lạnh, cần thay khóa cửa, etc… và hàng ngày mình đều mở tủ lạnh nên mình có thể thấy nó và thu xếp làm mà không sợ lãng quên. Mình cũng đính trên tủ lạnh thực đơn trong tuần, dựa trên list danh sách mình đã chuẩn bị khi đi chợ. Cái sợ nhất của các bà nội trợ là câu hỏi hôm nay ăn gì mọi người nhỉ? Nên mình ghi sẵn, hôm nào có sự kiện gì đột xuất thì mình đổi cũng được, còn không thì cứ thế mà thi hành, không phải vỗ đầu muốn long não để coi hôm nay ăn gì. Khi cần thiết, mình cũng có thể nhờ chồng hỗ trợ việc mua sắm theo danh sách đã ghi.

·       To-do list tại công ty: Mình luôn được các sếp ấn tượng vì đặc điểm này, bất cứ khi nào sếp cần huy động người để hỗ trợ dự án gì đột xuất mình đều có thể nói ngay chính xác tầm 90% workload của mình vì mình có danh sách việc đang làm và cần làm. Mình vẫn thích viết tay (để chữ đỡ cua bò chứ đánh máy mãi, khi cần viết thì trời ơi, như gà bới và mỏi tay lắm!) nên mỗi đầu giờ sáng, mình mở sổ làm việc ra nhìn đầu việc và deadline, trong ngày có thêm việc mới mình cũng ghi vào và cuối giờ trước khi rời công ty mình sẽ nhìn lại list lần nữa, gạch bỏ những việc đã xong, note thật ngắn gọn tiến độ những việc đang làm dang dở. Theo mình thì việc làm list này ngoài cái lợi rằng mình sẽ không bị quên việc cần làm, nó còn giúp mình giải phóng cái đầu mình khi về nhà. Nhà mình không có ai phụ giúp cả, con phải đi học từ khi 6 tháng tuổi, mỗi ngày con đều phải ở lại trường dài hơn các bạn vài tiếng vì chờ mình đến đón nên cảm thấy con hơi bị thiệt thòi, mình luôn cố gắng dành cho con thời gian toàn vẹn nhất có thể khi về nhà với con. Với việc có danh sách này, mình có thể quăng việc bên ngoài cánh cửa khi bước vào nhà, đầu không phải cứ nghĩ về nó vì khi cần thiết, mình mở note ra xem là xong. Các note này thì mình làm trong 1 quyển sổ, theo thứ tự ngày tháng chứ không từng note rời như to-buy list bên trên để không dễ bị lạc mất vì chắc chắn có lúc mình cần xem lại nó. Các note này cũng cho mình cơ hội được người khác giúp tốt hơn. Như cái lần mình sinh con, 10g mình vẫn ngồi họp mà 11g đã ò í e nằm trên xe cấp cứu đi mổ vì bé con bị ngạt. Trên xe cấp cứu, mình gọi cho em thư ký nhờ chuyển note cho đồng nghiệp để nhờ mọi người làm tiếp, có gì chưa rõ thì hẹn sau khi mình ra khỏi phòng hồi sức sẽ thảo luận chi tiết.

·       To-do list tại nhà: Mình cũng có note tại nhà, để trên bàn làm việc, chủ yếu note lại những việc quan trọng liên quan đến con hoặc mình note các thông tin này trên điện thoại để tận dụng chức năng nhắc nhở của nó. Ví dụ như lịch hẹn bác sĩ, lịch chích ngừa, và đôi khi cả lịch viếng thăm của cô tiên răng khi con gái có viết thư tâm sự với cô ấy 😊

HẠN CHẾ NHỮNG VIỆC LÀM TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG NÃO BỘ:

Trước khi nghe bài giảng của cô mình cũng không biết rằng vô tình mình đã thực hiện được một việc to lớn đến vậy 😊 Mình hầu như không cài đặt chế độ thông báo tự động cho các ứng dụng trừ những trường hợp đặc biệt. Ví dụ như với Viber, mình chỉ mở thông báo cho nhóm gia đình nhỏ của mình để mình không bị lỡ các thông tin về cha mẹ. Với Zalo mình chỉ mở thông báo cho liên hệ với cô giáo của con. Facebook thì thật sự mình không mở thông báo gì cả vì mình chưa thật sự có nhiều nhu cầu chính đáng để vô FB cho đến khi tham dự khóa học này.

Như những bài trước cô nói, khi năng lượng tích cực nhiều thì đương nhiên năng lượng tiêu cực sẽ hết chỗ chứa nên sẽ giảm đi. Mình sẽ tìm hiểu thêm nhiều ví dụ cụ thể để có thể thực hành kỹ năng này. Cả nhà cùng chia sẻ thêm nhé!

KHÔNG TRÌ HOÃN VIỆC CẦN LÀM

Từ khi còn đi học, câu châm ngôn mình dán ngay trước mặt là “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Không biết có phải nhờ áp dụng tốt nguyên tắc này không mà mình nhớ việc học của mình khá thảnh thơi so với chúng bạn, nhất là mỗi đợt thi cử, kiểm tra. Đến khi đi làm, mình đều giải quyết rốt ráo công việc dù chưa tới deadline. Cũng có đồng nghiệp cho rằng không nên như vậy, vì rãnh thì lại có việc tiếp để làm nhưng mình là đứa nghiện việc nên mình vui vẻ với chuyện thêm việc này lắm. Mình cũng khuyến khích con gái áp dụng nguyên tắc này. Tối thứ sáu con hay muốn không làm bài tập vì cho rằng còn ngày thứ bảy, chủ nhật nhưng mình thuyết phục con rằng nếu làm xong thì cuối tuần tha hồ chơi mà không phải lo lắng gì cho bài tập nữa. Lúc đầu con cũng phụng phịu, mình không ép, chỉ thuyết phục con làm một ít, phần còn lại cuối tuần làm tiếp thì con cũng hợp tác và sau vài lần cả nhà nổi hứng đi phượt xa cuối tuần trong khi chưa làm bài thì con cũng tự rút ra kết luận rằng trước sau cũng phải làm, thôi làm cho xong, cho khỏe cái đầu rồi tha hồ chơi. Mình chưa thông được vấn đề này với anh chồng vì ảnh vẫn cứ hay kiểu “để đó đi mai anh làm, chút anh làm” và cuối cùng là quên luôn hoặc mình phải nhắc hai ba lần. Mình sẽ “cảm hóa” anh vụ này!

Cô Thủy cũng hướng dẫn mình cách để thực hiện những việc mình không thích thì mình nên đưa ra mốc thời gian, đề ra những tiêu chuẩn thấp thôi, để cho mình quen dần các việc đó và dần dần sẽ tăng cường độ. Mình cũng từng làm như vậy đối với việc học yoga nhưng mình bỏ cuộc giữa chừng. Mình sẽ thực hành lại cách này trong thời gian tới. Mình đã thành công với con mình trong hình thành thói quen đọc sách, giờ bạn í đã là mọt sách chính hiệu.

Mình còn có thêm một thói quen là nếu việc càng khó, mình càng ưu tiên giải quyết nó sớm. Mình tư duy rằng nếu khó mà mình làm xong thì sung sướng, rãnh nợ, còn nếu khó đến nỗi làm mãi không xong thì cũng có thêm nhiều thời gian để xử cho xong. Hy vọng đây cũng đúng là 1 thói quen tốt.

Chút chia sẻ nhân 1 ngày mình cảm thấy mình tự hào vì bản thân đã làm được những thói quen tốt. Cảm ơn cộng đồng mình và hy vọng chúng ta cùng tiến bộ trong việc thực hành TDRM.